Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

"Sách nói" - Lợi và hại

Nhắc đến sách, bây giờ chắc không ai còn lạ lẫm gì với loại hình sách nói, không khó gì để gặp những website, blog chuyên về loại sách này, chỉ cần search Google là cả một hàng dài các trang về sách nói hiện ra, sách trong nước có, sách nước ngoài có. Chúng ta - những người trực tiếp đón nhận xu hướng này, thử ngẫm xem "nó" làm được gì và chưa làm được những gì?

Sách nói mở đầu để phục vụ cho những khiếm thị, đây là một bước tiến rất lớn đối với những người khiếm thị, họ có thể "cảm" được thế giới từ mỗi cuốn sách theo một góc độ nhất định.

Ngày nay sách nói được nhân rộng phục vụ cho cả những đọc giả bình thường, nhà giáo Nguyễn Khắc Thuần nhận xét về xu hướng mới này: "Từ nhiều thế kỷ nay văn hóa đọc đã là một bộ phận cấu thành rất đáng quý của văn hóa Việt Nam. Truyền thống ham mê đọc sách đó nay vẫn còn mạnh mẽ nhưng muốn có được một nền văn hóa đọc thực sự thì phải cần đến cả một hệ thống những giải pháp tích cực và tương thích với xã hội hiện nay. Với mục đích đưa sách đến với người đọc thì rõ ràng sách nói là cách hay để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại thời điểm này."

Những ai quá bận rộn không thể dành thời gian cho việc đọc sách có thể nhờ vị "quân sư" này, hay có thể một ông bố bà mẹ nào đó không đủ sức thu hút con mình trong mỗi lời kể, cũng có thể "nhờ vả" sách nói. Đúng là chúng ta không thể phủ nhận lợi ích nhất định do sách nói mang lại. Cuộc sống hiện đại, có những điều ta cần thay đổi một chút để "kịp" với guồng quay cuộc sống, đó là lẽ đương nhiên!

Điều gì cũng có hai mặt đối lập nhau song song tồn tại. Sách nói có những hạn chế mà chúng ta cần phải biết.

Với sự đầu tư công phu về kỹ xảo nói, được biên kịch như một bộ phim, có lồng tiếng từng nhân vật, có âm thanh, có nhạc...mọi thứ dường như đã quá hoàn hảo, chúng ta chỉ việc thưởng thức. Vậy chúng ta đang "đọc và ngẫm" hay đang nghe một bộ phim?

Bản chất của sách theo tôi nghĩ đó là một thế giới muôn hình muôn vẻ dưới mỗi góc nhìn của từng độc giả, một tác phẩm nhưng với nhiều cách suy nghĩ, tưởng tượng của mỗi người, nó hiện ra sinh động theo những cách khác nhau. Đọc sách, chúng ta có quyền tưởng tượng, vẽ ra thế giới cho riêng mình theo những mảng màu mà mình ưng ý nhất...Với sách nói, liệu chúng ta có thể tưởng tượng? Gần như là Không. Lời thoại của mỗi nhân vật đã có người nói, bối cảnh đã được sắp đặt cụ thể...Vậy chúng ta đang thư giãn trong thế giới của riêng mình, hay đang nhìn theo vòng quay của người khác? Đồng ý rằng chính tác giả là người vẽ ra thế giới đó, nhưng không đồng nghĩa với việc thế giới đó chỉ có một góc nhìn. Chúng ta có quyền nhìn ở mọi góc độ, có quyền vẽ nên những mảng màu chúng ta ưng ý nhất.

Khi đọc một cuốn sách in, chúng ta có thể dừng lại ở bất cứ trang nào để suy ngẫm về điều mà sách đề cập, chúng ta thấy thú vị, hơi nghi ngờ về giả thuyết ấy, hay thử "ướm" nó vào đời sống thật của chúng ta...Chúng ta nhận ra rằng cuộc đời tác giả trong cuốn sách này sao giống mình thế, chúng ta có thể lấy những kinh nghiệm từ chính tác giả "đặt" vào cuộc sống chúng ta. Một cuốn sách "học làm người" ta cần ngẫm nhiều hơn về mỗi triết lí ở trong đó...Nhưng liệu để người khác đọc những triết lí ấy, chúng ta không thể thắc mắc, tự vấn, thì liệu nó còn chính là nó hay không?

Chúng ta có thể dừng lại suy ngẫm trong khi một cuốn "sách nói" vẫn dang "thao thao bất tuyệt" bất tuyệt hay không? Dừng lại suy ngẫm rồi "ngẩn tò te" vì đuổi không kịp sách, ngẫm xong một điều thì lại không biết những điều khác mà sách đang nói...
"Sách nói" có thể được xem là một bước tiếp mới giúp đọc giả tiếp xúc nhiều hơn về "thế giới sách" nhưng liệu nó còn giữ được bản sắc riêng cho chính "khổ chủ" mà nó đang giới thiệu hay không?

Dù thế nào cầm trên tay một cuốn sách, tôi vẫn có cảm giác thật và mãn nguyện hơn, bạn có nghĩ vậy...?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến