Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Khơi dậy sức mạnh mềm


Cho dù trọng tâm cuộc mưu sinh của người đời luôn gắn liền với chuyện cơm áo gạo tiền, nhất là trong thời kỳ kinh tế đang trên đà suy thoái, nhưng không ai trong chúng ta có thể phủ nhận các giá trị văn hóa vẫn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống, không chỉ trên bình diện quốc gia mà cả quốc tế.
Chẳng hạn như Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 khép lại đã lâu nhưng ấn tượng về lễ khai mạc hoành tráng và Lễ bế mạc rực rỡ cùng thành tích thi đấu của đoàn Trung Quốc vẫn còn đậm nét trong lòng rất nhiều người trên toàn thế giới.
Gần đây hơn, sự kiện người dân Mỹ thực sự vượt qua quá khứ phân biệt chủng tộc bằng quyết định chọn Barack Obama làm vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử 232 năm lập quốc đã giúp cải thiện rất nhiều hình ảnh của đất nước đang bị sa lầy vào cuộc chiến tranh Iraq tai tiếng, đáng nói hơn là vào thời điểm ông Obama chào đời hồi năm 1961, người da đen ở Mỹ vẫn chưa được quyền đi bỏ phiếu.
Những ví dụ trên đây cho thấy ngày nay người ta đã bắt đầu chú trọng nhiều đến nguồn sức mạnh vô hình, còn gọi là "sức mạnh mềm" (soft power), có thể giúp nâng cao vị thế và uy tín của một quốc gia, một dân tộc đối với thế giới.
Thuật ngữ "sức mạnh mềm" (hay thực lực mềm, hoặc có người còn gọi là quyền lực mềm) do giáo sư Joseph S. Nye - nguyên hiệu trưởng Trường John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ - khởi xướng. Theo đó, một quốc gia xây dựng nguồn sức mạnh mềm thành công là dựa trên sức hấp dẫn của văn hóa, quan điểm chính trị và chính sách ngoại giao đủ sức lôi cuốn nước khác đi theo mình, không như sức mạnh cứng (hard power) bao gồm tiềm lực về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và nguồn tài nguyên cơ bản, mà xưa nay là những sức mạnh hữu hình chi phối các quan hệ quốc tế.
Nói một cách đơn giản thì sức mạnh mềm là khả năng tự nâng cao tố chất để hấp dẫn và thuyết phục nước khác, từ đó đạt được điều mình cần. Khái niệm này gần gũi với quan điểm "dĩ đức phục nhân" (lấy nhân đức để thu phục người) trong tư tưởng phương Đông.
Như nước ta chẳng hạn ngay trong lịch sử giữ nước thì Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi có thể được xem là đã thể hiện "sức mạnh mềm" khi chủ trương “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Trong Bình Ngô Sáchdâng lên Lê Lợi trình bày sách lược đánh đuổi quân Minh, Nguyễn Trãi đã vạch ra nền tảng tư tưởng cho toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn bằng chiến lược phối hợp nhịp nhàng ba mặt trận chính trị, binh vận và ngoại giao, nêu cao chính nghĩa của dân tộc và sức mạnh quyết định của nhân dân mà giành chiến thắng: Ta bày kế đánh vào lòng người, không xông trận mà vẫn khuất phục được đối phương (Ngã mưu phạt nhi công tâm, bất chiến tự khuất). Sáng tạo này của Nguyễn Trãi có giá trị làm phong phú kho tàng khoa học và nghệ thuật quân sự của tổ tiên ta, một sức mạnh mềm mà các thế hệ sau đã kế thừa và phát huy trong công cuộc giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Ngày nay, nhìn về những giá trị tự thân, sức mạnh mềm của chúng ta là những nỗ lực kiên trì trong quá trình đổi mới để đất nước phát triển trên những đổ nát vật chất lẫn tinh thần sau mấy thập niên chiến tranh. Thành quả khá ấn tượng của tăng trưởng kinh tế thời gian qua đã tạo dựng một vị thế mới cho chúng ta, làm tiền đề cho công cuộc hội nhập để Việt Nam đĩnh đạc bước vào sân chơi toàn cầu.
Hồi giữa năm 2008, trên một báo cáo về chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt nam 2010 – 2020, nhóm giáo sư và chuyên gia thuộc Đại học Harvard cho rằng: “Với tư cách là một quốc gia, Việt Nam ngày càng nhận được sự nể trọng và có ảnh hưởng ngày càng nhiều trong cộng đồng quốc tế”. Chiếc ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, cũng như mức thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 60 tỷ USD trong năm qua minh họa cho nhận định này.
Khả năng vượt khó qua những bão táp trong chừng mực cũng là một sức mạnh mềm của chúng ta. Như trong khi cuộc khủng hoảng tài chính đang cướp đi nội lực của rất nhiều nền kinh tế hàng đầu trên thế giới thì chúng ta đã cầu thị, học hỏi để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại.
Sức mạnh mềm của chúng ta còn là thái độ sống biết chia sẻ, đùm bọc trong khó khăn để có được tốc độ giảm nghèo thuộc nhóm nhanh nhất thế giới. Chỉ trong vòng hơn 15 năm tỷ lệ hộ nghèo từ 58% (năm 1993) xuống còn khoảng dưới 15% (năm 2008).
Thế nhưng chúng ta cũng có nhiều sức mạnh mềm chưa được phát huy. Đó là lực lượng lao động trẻ vốn được đánh giá thông minh và chăm chỉ, đáng tiếc lại đang bị chi phối bởi một hệ thống giáo dục lạc hậu so với bên ngoài. Hậu quả là ưu thế nguồn nhân lực mà lâu nay chúng ta vẫn tự hào đang bị thử thách, không còn là lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Đã vậy việc trọng dụng nhân tài lại rất khập khiễng. Bài học từ nước láng giềng Singapore, nơi nổi tiếng về trọng dụng nhân tài, là điều mà chúng ta cần suy ngẫm. Đảo quốc chưa đầy bốn triệu dân và hầu như không có tài nguyên này đã rất tự hào với thương hiệu "thành phố tốt nhất trên thế giới để sống và làm việc". Đây là điển hình cho sự thành công của một quốc gia biết tận dụng sức mạnh mềm để phát triển kinh tế.
Việt Nam sở hữu một thiên nhiên tuyệt vời và nhiều tài nguyên phong phú nhưng đang bị tàn phá bởi sự nóng vội làm giàu khiến môi trường sống bị vẩn đục. Thế thì làm sao có thể lôi cuốn được cả chục triệu du khách chọn làm điểm đến trong vòng vài ba năm tới như mong muốn?
Chúng ta có nhiều cố gắng tạo sức mạnh mềm với một nền ngoại giao thân thiện, làm bạn với tất cả các nước và đã thành công khi quan hệ ở tầm quốc tế ngày càng được mở rộng. Nhưng thật đáng tiếc khi hiện nay các sứ quán, lãnh sự của chúng ta ở hầu hết các nước vẫn còn thiếu nụ cười, lại chưa làm tròn việc xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư và góp phần mở rộng giao lưu văn hóa giữa Việt nam và các quốc gia khác. Đó là chưa kể một số hành vi như buôn lậu và vi phạm pháp luật nước người của nhân viên sứ quán, làm uy tín đất nước bị tổn thương.
Văn hóa có vai trò quan trọng trong quá trình làm giàu hình ảnh đất nước, là con đường ngắn nhất để thế giới cảm nhận một cách đầy đủ các giá trị bền vững của một dân tộc. Chúng ta có những Nhã nhạc cung đình, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại", nhưng lại chưa có một chiến lược lâu dài để quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam có bề dày văn hóa. Những tinh túy của dân tộc chưa truyền được vào trong các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, cũng như chưa làm được nhiệm vụ mở đường làm ăn như Hàn Quốc đã thông qua phim ảnh, truyền hình mà gia tăng lượng hàng hóa bán ra trên thị trường thế giới.
Hay văn hóa ẩm thực, từ ẩm thực cung đình quy tụ tinh hoa khắp mọi miền đất nước đến ẩm thực dân gian vừa độc đáo vừa hấp dẫn, vậy mà đến nay vẫn chưa được thế giới chú ý đến. Quả thật có điều gì đó rất xót xa, khi đi du lịch ở trời Âu vui mừng nhìn thấy một nhà hàng Việt Nam, nhưng khi hỏi ra mới biết chủ nhân thường là... người Thái hay người Hoa. Ngay món chả giò quốc hồn quốc túy đã trở thành thương hiệu Việt Nam và được bày bán ở nhiều siêu thị lại được sản xuất từ các nước khác. Rõ ràng rất cần thiết sớm xây dựng một chương trình đồng bộ mang tính quốc gia để quảng bá văn hóa đặc trưng của đất nước.
Đáng buồn là trong cố gắng khơi dậy sức mạnh mềm, chúng ta đang gặp một lực cản lớn đó là tham nhũng và lãng phí, những tệ nạn không chỉ làm nghèo đất nước mà còn xói mòn lòng tin của bạn bè năm châu.
Đã có nhiều chứng minh cho thấy, một quốc gia sẽ thực sự hùng mạnh khi kết hợp hài hòa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Trong khi sức mạnh cứng cần nhiều thời gian để tạo dựng thì sức mạnh mềm là những thứ chúng ta đang có trong tầm tay. Làm sao để khơi dậy và tận dụng được sức mạnh mềm là vấn đề cấp bách hiện nay để có thể đưa đất nước phát triển một cách bền vững.
Nguồn:  Phụ nữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến