TT - Vài tháng nay các trí thức Việt Nam (trong và ngoài nước) sôi nổi đóng góp cho Đề án xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế" mà Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, dự kiến sẽ thảo luận và thông qua.
Hàng loạt hội thảo, hội nghị đóng góp ý kiến đã được tổ chức. Ngày 19.5.2008 thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN đã có buổi làm việc với đại biểu trí thức về đề vấn này. Tôi chỉ muốn thảo luận hai vấn đề: Khái niệm trí thức và một biện pháp mà tôi cho là quan trọng để phát triển tầng lớp trí thức Việt Nam.
Không rõ về khái niệm thì cơ sở cho các chính sách sẽ không vững và chính sách sẽ không có mấy tác dụng. Không ít ý kiến cho rằng trí thức là những người lao động trí óc có trình độ học vấn cao (đại học và tương đương trở lên). Tôi nghĩ khái niệm được hiểu như thế là chưa ổn. Thứ nhất, nó quá thiên về một tiêu chí không cơ bản: bằng cấp, chứng chỉ. Nó phản ánh tư duy rất cổ, đã ám ảnh mọi người dân Việt Nam từ ngàn xưa, về trọng bằng cấp.
Căn bệnh quá trọng bằng cấp, chính sách nhân sự trọng bằng cấp đã gây ra bao tai hoạ cho sự phát triển của đất nước, đã tạo ra nạn "bằng giả", "học giả bằng thật mà hoá ra bằng giả", "tiến sĩ giấy", và bao tiêu cực trong hệ thống giáo dục đào tạo mà xã hội từng lên án gay gắt. Rất tiếc, những người quan niệm như vậy vẫn chưa thoát khỏi căn bệnh thâm căn cố đế này.
Theo tôi, trí thức là người truyền bá tư tưởng, ý tưởng. Ý tưởng đó có thể là của chính họ (khi đó họ là các nhà tư tưởng đích thực) hay là các ý tưởng của những người khác mà họ coi là của mình (khi đó họ là những người bán ý tưởng của người khác). Họ truyền bá ý tưởng cho những người khác và muốn những người này chịu ảnh hưởng của các ý tưởng đó trong hoạt động của mình. Họ tạo dư luận.
Các ý tưởng có thể là các ý tưởng về chính trị, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, xã hội, v.v... Số các trí thức truyền bá ý tưởng, tư tưởng của riêng mình và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội, của khoa học không nhiều; họ là các nhà tư tưởng, các nhà khoa học lớn. Phần đông hơn của các nhà trí thức đi truyền bá các ý tưởng của những người khác (và cũng có thể có một vài ý tưởng riêng của mình để bổ sung, minh hoạ, cải thiện các ý tưởng cũ), họ là những người mà Hayek gọi là những người "bán đồ [ý tưởng] cũ".
Tôi thay từ "bán" bằng từ "truyền bá" để cho những người ghét từ "bán" dễ tiếp thu hơn. Nhưng vì không ai có thể biết mọi thứ, có nhiều loại ý tưởng mà một cá nhân chỉ có thể am hiểu hay có đóng góp đích thực cho một vài lĩnh vực mà thôi, nên tuyệt đại bộ phận các trí thức đều là người "bán đồ cũ". Ngay cả những người lỗi lạc nhất khi truyền bá tư tưởng mà mình chấp nhận và nằm ngoài lĩnh vực sáng tạo của chính mình cũng là những người "bán đồ cũ".
Hiểu theo cách này, trí thức chẳng hề gắn với bằng cấp nào cả. Vậy thì một số nhà lãnh đạo, nhà văn hoá không có điều kiện học hành để có bằng cấp, nhưng vẫn trở thành những vĩ nhân thì có là trí thức hay không? Theo cách hiểu này họ là trí thức, là các trí thức lớn. Còn hiểu theo quan niệm bằng cấp thì họ không là trí thức, vì họ chẳng có "bằng cấp" nào cả hay không được đào tạo theo các trường lớp "chính quy" nào cả. Thoát được căn bệnh "bằng cấp" kinh niên. Nó cũng không có sự phân biệt trong nước và ngoài nước, không phụ thuộc vào thời gian, vào hệ thống đào tạo.
Đấy là mấy ưu điểm của cách hiểu này mà cách hiểu của Đề án không thể có được. Hiểu theo cách này trí thức chắc chắn là người lao động trí óc, song không phải cứ lao động trí óc ắt là trí thức. Một kế toán viên cao cấp và chỉ đơn thuần làm đủ phận sự chuyên môn của mình là một người lao động trí óc, song không là trí thức; nhưng nếu anh hay chị ta dạy, hướng dẫn cho những người khác hay tranh luận về những ý tưởng kế toán, thì anh hay chị ta là trí thức.
Như thế các nhà giáo, các nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị và một số nhà kỹ thuật, v.v... là những trí thức phù hợp với cách hiểu thông thường. Cho đến đây chúng ta vẫn chưa đưa ra phán xét giá trị (tốt-xấu; tiến bộ-phản động; v.v...) nào đối với khái niệm trí thức cả. Vì không gắn phán xét giá trị với khái niệm nên nó đủ rộng để phân tích (không chỉ bó hẹp ở những người "ưu tú", "tiến bộ" hay "yêu chủ nghĩa xã hội" như có người kiến nghị).
Dân chủ, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, khuyến khích tranh luận, sự khoan dung, sự chấp nhận những ý kiến khác nhau là những điều kiện tiên quyết để phát triển tầng lớp trí thức mạnh nhằm góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Thực hiện tốt những điều này trên thực tế, chứ không chỉ trên lời nói, thì sẽ có "hiền tài" và quốc gia sẽ có "nguyên khí", sẽ có "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh"; ngược lại thì sẽ chỉ có những "trí thức" không góp được mấy (nếu không nói là làm hại) cho sự phát triển của đất nước và dân sẽ không giàu, nước không mạnh, xã hội không văn minh, công bằng.
Nguồn: Lao động cuối tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét