Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Quảng cáo ở Việt Nam - Ebook









Cuốn sách mở đầu bằng việc nêu lên một quy trình phát triển sản phẩm mới tại thị trường Việt Nam là xác định nhu cầu, tìm ra điểm khác biệt và quảng bá điểm khác biệt đó mà không hề có sự sáng tạo hay phát minh gì cả. Một kiểu làm hoàn toàn đi ngược với những gì mà các nước trên thế giới đang dùng.
Hãy thử hỏi những chất như TTratio, A+, IQ- là gì, có lẽ những bà mẹ cho con uống sữa là rõ nhất khi đi tìm cái gọi là “niềm tin cho con”, nhưng các nhà khoa học thì bó tay. Bởi vậy chỉ ở Việt Nam mới có chuyện một nhãn hàng chăm sóc da P. tung ra sản phẩm mới với 8 công dụng ngay tức thì sau khi đối thủ cạnh tranh của mình quảng cáo rằng sản phẩm O. có 7 công dụng. Sáng tạo phát minh chưa nơi nào đơn giản và nhanh chóng như tại Việt Nam.
Từ những viện nghiên cứu không có thật ABC, công thức XYZ với những logo rực rỡ phần nhiều do chính những nhà tiếp thị tạo ra từ cái gọi “nghệ thuật tiếp thị” và “mánh khóe nghề nghiệp”, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến cái gọi là “đạo đức nghề nghiệp”. Thử hỏi có nhà tiếp thị nào dũng cảm nói lên rằng chất điều vị MSG có trong các hạt nêm ngày nay là chất gây nghiện, về lâu dài sẽ gây béo phì, tiểu đường, nhức đầu… Vậy mà người ta vẫn quảng cáo và sữ dụng hình ảnh cậu bé với tấm bảng “mẹ con nấu canh ngon nhất”. Cái này là quên hay cố tình quên. Hay chuyện những chương trình từ thiện ngắn hạn mà việc mua quảng cáo còn nhiều hơn số tiền tặng để đánh bóng tên tuổi mà tác giả nêu lên cũng khiến cho chúng ta suy nghĩ về cái gọi là ngành tiếp thị – quảng cáo tại Việt Nam.

Vậy ai là người thật sự có lỗi trong chuyện này. Nhiều công ty vì cái lợi nhuận trước mắt mà bất chấp tất cả. Có thể là những con người đang làm trong cái ngành này vốn không được đào tạo cơ bản. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính xuất phát từ đặc thù phát triển của xã hội Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam dễ tin quảng cáo là câu cửa miệng của dân làm tiếp thị tại Việt Nam. Mẫu quảng cáo Sữa tại một phòng thí nghiệm với những bác sĩ bận đồ trắng chỉ tay lên màn hình LCD tìm ra những công thức khoa học nào đó có lẽ chỉ được chiếu tại Việt Nam chứ đó là trò cười cho người tiêu dùng của các nước phát triển. Với kiến thức tiêu dùng, thông tin khoa học tốt, họ thừa biết công dụng của sản phẩm. Bởi vậy quảng cáo công dụng sản phẩm đã là chuyện dĩ vãng tại đây và những kiểu quảng cáo nhắm vào tình cảm, lòng trung thành nhãn hiệu mới chiếm ưu thế.

Quảng cáo cũng chỉ là quảng cáo. Việc lạm dụng quảng cáo để tạo ra những tính năng sản phẩm không có thật hay những lối sống “sành điệu”, “nô lệ vật chất” là việc đang diễn ra tại Việt Nam. Rất may là có một người dũng cảm đã viết ra những điều này. Ai đó đọc cuốn sách này sẽ cảm thấy “nhột”, nhưng với tôi đây là cuốn sách thú vị và bổ ích.

Sau cuốn “Sự Thật về quảng cáo” của Trương Tiếp Trương – Thái Quân, thì có lẽ cuốn “Quảng cáo ở Việt Nam” là cuốn sách thứ 2 viềt về ngành Quảng Cáo Tiếp Thị tại Việt Nam với góc nhìn của người trong cuộc. Nếu cuốn sách đầu là một cái nhìn vừa hài hước, vừa bao dung của một người làm nghề viết quảng cáo (copy-writer) thì cuốn sách này là một cái nhìn thẳng và khắt khe hơn rất nhiều.
“…thì cứ nói đại là có trung tâm nghiên cứu gì đó đi, người tiêu dùng có ai biết đâu mà lo, mấy công ty đa quốc gia người ta làm hà rầm, có ai kiểm chứng đâu…” (trang 27), cuốn sách khép lại với niềm hy vọng rằng trong một tương lai không xa kiểu phát biểu khinh thường người tiêu dùng này sẽ không còn tồn tại và là câu chuyện phiếm được mọi người kể về một thời “chập chững” của nền kinh tế Việt Nam.



Download:



https://www.box.com/s/7e34fd132f1faf02c2e6


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến